Quê nghèo "thay da đổi thịt" nhờ xuất khẩu lao động
Không ít hộ dân ở Vĩnh Long từng có hoàn cảnh khó khăn nhưng nay đã vươn lên khấm khá từ khi có người thân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ấp có hàng chục lao động xuất cảnh
Hàng chục năm về trước ấp Vĩnh Khánh 2, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn được biết đến là một trong những ấp nghèo của tỉnh Vĩnh Long. Thế nhưng mấy năm gần đây, ấp Vĩnh Khánh 2 có nhiều nhà mới mọc lên và cuộc sống người dân trong ấp đổi thay trông thấy.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhu, ngụ ấp Vĩnh Khánh, sau khi tốt nghiệp đại học chị Hằng (con gái bà) đã chật vật xin việc nhiều nơi, trải qua nhiều công việc nhưng không mấy thuận lợi. Rất may, chị Hằng có người anh họ đã ở Nhật Bản, giới thiệu cùng sang để làm việc.
"Năm đầu tiên, cháu sang Nhật cũng khá khó khăn, thiếu thốn. Nhưng từ năm thứ hai trở đi, cháu đều gửi đều đặn từ 10-20 triệu đồng/tháng về nhà" - bà Nhu chia sẻ.
Nhờ số tiền của con gái đi làm gửi về cộng thêm 5 công đất trồng cam, cuộc sống của gia đình bà Nhu sung túc hơn ngày trước. Ngôi nhà của bà giờ đây thuộc diện khang trang nhất nhì ấp Vĩnh Khánh 2. Vài tháng nay bà còn dành dụm được ít tiền đầu tư trồng thêm 10ha cam sành.
Theo lời bà Nhu, khi thấy gia đình bà "đổi đời" nhờ con gái xuất khẩu lao động xóm giềng, dòng họ đều ríu rít hỏi thăm. Hiện trong dòng họ nhà bà đã có 5 người sang Nhật xuất khẩu lao động.
Cạnh nhà bà Nhu, gia đình bà Trương Thị Tuyết Sương đã thoát được hộ nghèo nhờ có con sang Nhật Bản làm việc. Sau khi ly hôn, bà Sương ở vậy nuôi con, không ruộng vườn, nhà cửa nên hoàn cảnh vô cùng bi đát.
Chị Linh, con gái bà Sương, đã học xong phổ thông và từng đi làm công nhân ở Bình Dương. Sau 2 năm, có chút vốn liếng, chị Linh đã quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
"Cháu đi được 6 năm rồi, sang làm năm đầu tiên thì gửi về đủ trả nợ. Còn những năm tiếp theo, tháng nào cháu cũng đều đặn gửi về 20 triệu đồng. Tiền con gửi về tôi tích góp lại để sau này nó có vốn mà làm ăn", bà Sương kể.
Không những hộ bà Nhu hay bà Sương mà ở ấp Vĩnh Khánh còn có hàng chục hộ gia đình khác cuộc sống khấm khá lên nhờ xuất khẩu lao động.
"Bốn nhà" chung tay
Theo ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân, chính quyền xã luôn xác định xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Trên tinh thần đó, UBND xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn từ 80-100% cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có con là bộ đội xuất ngũ khi tham gia xuất khẩu lao động.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh - Xã hội tỉnh Vĩnh Long, 2 huyện Trà Ôn và Vũng Liêm đang có số lượng người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất tỉnh.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 song toàn tỉnh vẫn có 257 người đi xuất khẩu lao động. Theo bà Hà, để có được kết quả này, "bốn nhà" cùng bắt tay nhau xuyên suốt. Đó là sự kết hợp của nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và ngân hàng chính sách.
Cùng trao đổi về vấn đề này, theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ngoài chính sách hỗ trợ đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được vay vốn của Chính phủ, HĐND tỉnh cũng thông qua thêm gói hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, hộ chính sách và người dân tộc thiểu số.
"Địa phương đang có đề án liên kết giữ lại và tái sử dụng đội ngũ lao động từng tham gia làm việc ở Nhật. Đây là nhân lực chất lượng tốt để phục vụ phát triển quê hương Vĩnh Long. Ngoài ra, các em đi làm việc ở nước ngoài trở về còn được hỗ trợ phát huy, sử dụng nguồn vốn, các kiến thức kỹ năng tích lũy được cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp", ông Ngời khẳng định.
- tags